Nghị định số 131/2006/NĐ-CP về Quy chế Quản lý và Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đang được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa và hài hòa thủ tục để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này.
Khẳng định sẽ bám sát các văn bản pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế trong xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP, được áp dụng không chỉ với quản lý vốn ODA, mà còn cả nguồn vốn vay ưu đãi khác của nhà tài trợ, ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Nghị định mới sẽ đảm bảo chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu hợp tác phát triển trong tình hình mới.
“Mục đích chính trong sửa đổi Nghị định này là nhằm nâng cao hiệu quả, đơn giản hóa, đồng bộ hoá các thủ tục liên quan đến ODA và các nguồn vốn vay kém ưu đãi khác cho phù hợp với yêu cầu mới và các quy định hiện hành của pháp luật”, ông Khang nói và cho biết, một trong những điểm mới nhất của Dự thảo Nghị định là quy định cụ thể 5 bước trong quy trình vận động, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi khác, bao gồm: xây dựng và phê duyệt danh mục tài trợ chương trình, dự án; chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt văn kiện chương trình, dự án; ký kết điều ước quốc tế khung, điều ước quốc tế cụ thể về ODA…; tổ chức thực hiện chương trình, dự án; theo dõi, đánh giá chương trình, dự án.
Đây là một điều khoản mới hoàn toàn so với Nghị định 131/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, bình luận về điều khoản này, vị đại diện cho các nhà tài trợ đến từ EC và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, quy định như vậy vẫn khá phức tạp, thủ tục chưa thực sự được đơn giản hóa.
Đồng quan điểm, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng cho rằng, quy trình, thủ tục hiện hành mất rất nhiều thời gian và cần được giản lược hóa hơn. “Thời gian làm thủ tục, phê duyệt dự án quá dài sẽ ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của các dự án ODA”, bà Kwakwa nói và nêu dẫn chứng, thời gian qua, đã có lúc phải mất 5 tháng kể từ sau khi ký hiệp định, WB mới nhận được thư đề nghị giải ngân của phía Việt Nam, trong khi theo quy định chỉ là 45 ngày.
Tuy nhiên, theo ông Khang, việc Dự thảo Nghị định đề cập 5 bước của quy trình vận động, quản lý và sử dụng ODA không hề phức tạp. “Các quy định tại Dự thảo Nghị định mới chỉ là làm cho bức tranh rõ ràng hơn mà thôi và nhờ vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian”, ông Khang nói và giải thích rằng, trong 5 bước này, bước 1 đóng vai trò quan trọng, bởi sẽ giúp Việt Nam và từng nhà tài trợ thống nhất định hướng hợp tác và lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA, cũng như vốn vay ưu đãi khác, cho từng thời kỳ trên cơ sở chính sách, định hướng, lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và chính sách cung cấp viện trợ của nhà tài trợ.
Một điểm mới quan trọng khác của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 131/2006/NĐ-CP là cho phép các bộ, ngành, địa phương được phép thực hiện các hành động tiến hành trước trong thời gian chuẩn bị thực hiện dự án liên quan đến việc thành lập ban quản lý dự án sau khi có quyết định phê duyệt danh mục tài trợ (Điều 41), các hoạt động liên quan đến đấu thầu, giải phóng mặt bằng và tái định cư (Điều 47, 48).
Tương tự, để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị và triển khai dự án, Dự thảo Nghị định đã đề cập việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt danh mục tài trợ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Danh mục tài trợ đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi khác; các khoản ODA viện trợ không hoàn lại có quy mô vốn từ 1 triệu USD trở lên; các khoản ODA viện trợ không hoàn lại thực hiện các chương trình, dự án đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều địa phương tham gia… Các dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi khác; các chương trình, dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng thuộc diện Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Với các trường hợp còn lại, chúng tôi đề xuất hai phương án phân cấp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt, hoặc cơ quan chủ quản phê duyệt. Tuy nhiên, phương án 1 nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên Ban soạn thảo, nhằm thống nhất về quản lý nguồn vốn ODA. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tổng hợp và điều phối chung các khoản viện trợ này, là cơ quan phù hợp để đảm nhận việc phân cấp này”, ông Khang cho biết và khẳng định rằng, dù phân cấp, song Chính phủ vẫn quản lý, giám sát chặt chẽ để vốn ODA được sử dụng thật hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm phân cấp của Chính phủ Việt Nam, vị đại diện của nhà tài trợ EC và UNDP thậm chí còn cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp này. Còn bà Victoria Kwakwa khẳng định, cần làm rõ hơn nữa về thẩm quyền phê duyệt đối với từng loại dự án. “Sau khi phê duyệt dự án, có thể còn liên quan đến cả tái định cư, do vậy, mọi quy trình, thủ tục, thời gian cho từng công đoạn ra sao phải quy định thật rõ ràng, cụ thể, nếu không sẽ dẫn đến mơ hồ trong triển khai ở cấp dưới, phát sinh các vấn đề trong thực thi, dẫn tới kéo dài thời gian chuẩn bị và triển khai dự án”, bà Kwakwa nói.
Báo Đầu tư
|