Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa đánh giá, lạm phát giảm nhanh vừa qua chỉ là tạm thời. Dự báo cả năm, lạm phát sẽ khoảng 5%, tăng trưởng kinh tế có thể đạt trên mức 5,3%.
Thận trọng nới lỏng tín dụng
Cuối tháng 6, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đánh giá, lực cầu của nền kinh tế đang rất yếu, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức rất thấp, khoảng dưới 0,5% so với đầu năm thì với độ trễ 6 tháng thường thấy, lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm dự báo sẽ tăng không quá 0,5%/tháng. Lũy kế cả năm sẽ khó vượt qua mức 6%.
Báo cáo tháng 7 vừa công bố của Ủy ban đã chốt lại con số, lạm phát cả năm ở khoảng 5%. Đây là hệ quả của xu hướng tăng giá trở lại của hàng hóa trên thị trường quốc tế hiện nay sau 5 tháng giảm liên tiếp cộng với áp lực lạm phát nhập khẩu từ Trung Quốc vào quý IV.
Cùng đó, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, bản chất việc CPI giảm thấp trong thời gian qua, đặc biệt là giảm nhanh ở 2 tháng 6 và 7 không phải do chính sách tiền tệ mà là dựa nhiều vào các yếu tố bên ngoài, như giá lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Vì vậy, việc lạm phát giảm thấp sẽ chỉ mang tính tạm thời và có thể chính những yếu tố này sẽ tác động ngược lại đối với CPI trong thời gian tới.
Nhìn lại lạm phát tháng 7, tuy giảm 0,29% so với tháng trước và là tháng thứ 2 liên tiếp có mức lạm phát âm song theo Ủy ban, nếu tính theo lạm phát cơ bản (loại trừ 3 yếu tố trên) thì lạm phát tháng 7 vẫn tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Cho dù, hiện tượng CPI giảm 2 tháng vừa qua là dấu hiệu rất đáng quan tâm nhưng các phân tích trên đã cho thấy, nhiều khả năng CPI sẽ tăng lại vào những tháng tới đây.
Trong bối cảnh này, nếu nới lỏng chính sách quá mức thì nguy cơ sẽ lại làm bùng nổ lạm phát vào những năm tiếp theo. Đây là điều tuyệt đối cần chú ý ở năm 2013, Ủy ban này khuyến cáo.
Trước đó, cơ quan giám sát tài chính đã nêu cảnh báo, mỗi khi lượng vốn trên 90 nghìn tỷ đồng/tháng được đưa vào nền kinh tế thì mức lạm phát 6 tháng sau đó đều trên 2%/tháng. Do đó, để ổn định kinh tế vĩ mô trung và dài hạn,Chính phủ cần đảm bảo lượng vốn đầu tư được đưa vào nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm nên trong khoảng 80-85 nghìn tỷ đồng/tháng.
Các biện pháp tăng tổng cầu nền kinh tế cần được phân bổ với qui mô và liều lượng phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Nợ xấu là rào cản lớn nhất
5,3% là tốc độ tăng trưởng tối thiểu mà nền kinh tế năm 2012 có thể đạt được. Song, điều kiện được đặt ra là tăng trưởng tín dụng cả năm nay phải đạt trên mức 6%.
Cùng với việc cả tổng cầu và tổng cung tiếp tục suy yếu, thu ngân sách giảm mạnh, tín dụng đang là một trong 3 vấn đề lớn gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế.
Tính đến hết tháng 7, tín dụng vẫn chưa thể tăng trưởng trở lại. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 12/6 đã tăng 0,17% so với đầu năm, cải thiện đáng kể so với mức -0,28% tính đến ngày 31/5. Tuy nhiên, đến ngày 25/7 dư nợ tín dụng đã đảo chiều tăng trưởng, vẫn giảm khoảng 0,1% so với đầu năm.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, vấn đề nợ xấu vẫn chưa có giải pháp rõ ràng nên khả năng khơi thông tín dụng các tháng tới sẽ vẫn khó khăn. Mức kịch trần mà tín dụng có thể hồi phục là không quá 8% cho cả năm nay.
Trong hàng loạt giải pháp được đưa ra, cơ quan này kiến nghị, chính sách tiền tệ cần được điều hành nhất quán, cân nhắc thận trọng, khi dư địa giảm lãi suất đang được thu hẹp thì cần hạn chế hạ lãi suất quá nhanh gây khó khăn cho Ngân hang thương mại, tránh gây biến động tỷ giá. Ngân hàng cần chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Đặc biệt, ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu- rào cản lớn nhất cho việc hạ lãi suất. Một khi vấn đề này chưa được giải quyết thì những giải pháp khác của chính sách tiền tệ được đưa ra sẽ đem lại rất ít hiệu quả.
Theo Phạm Huyền - VEF
|