|
Hồi tháng 3- 2011, các nhà in rơi vào tình trạng quá tải, không thể giao hóa đơn đúng hẹn cho doanh nghiệp sử dụng từ 1-4 như quy định, gây thiệt hại nặng cho nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: doanh nghiệp vây quanh nhân viên của một công ty in để hối thúc việc in hóa đơn. Ảnh: Minh Tâm |
(TBKTSG Online) - Dù đã được khuyến cáo nên bắt đầu chuẩn bị in hóa đơn sớm để tránh rơi vào tình trạng quá tải, nhà in chậm tiến độ như đã từng xảy ra với các doanh nghiệp thực hiện tự in hóa đơn từ 2011 nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ triển khai việc đặt in hóa đơn để sử dụng vào đầu năm 2012.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, lãnh đạo một số công ty in như Giấy vi tính Liên Sơn, Nguyên Xương Thịnh, Tài chính chi nhánh TPHCM… cho hay, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ (đối tượng phải sử dụng hóa đơn tự in từ năm 2012) đến đặt in hiện chưa nhiều, trung bình 30 khách hàng mỗi ngày. Trong đó, nhà in cao nhất được khoảng 50 khách, thấp nhất chỉ 5 - 10 khách. Số lượng này nếu so với con số trung bình ở thời điểm doanh nghiệp vừa và nhỏ in hóa đơn hồi cuối năm 2010, đầu 2011 thì chỉ bằng 1/10.
Theo lãnh đạo các nhà in, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều doanh nghiệp vẫn có suy nghĩ rằng thời gian từ nay đến khi bắt đầu phải dùng hóa đơn (1-1-2012) còn dài nên chưa quan tâm. “Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn thiếu thông tin đến mức nghĩ rằng đến đầu năm 2012 vẫn tiếp tục được mua hóa đơn từ cơ quan thuế”, ông Nguyễn Hải Minh, Giám đốc chi nhánh TPHCM Công ty in Tài chính nói thêm.
Đại diện các nhà in cho rằng, tình hình trên nếu kéo dài sẽ rất đáng lo ngại vì có thể tái diễn tình trạng quá tải, ùn ứ như đã từng xảy ra hồi cuối năm 2010 với các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải dùng hóa đơn tự in từ 2011 khi các doanh nghiệp tập trung hết vào một thời điểm cuối năm.
Theo ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Giấy vi tính Liên Sơn, vấn đề là số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ đã gấp đôi số doanh nghiệp đặt in đợt vừa rồi. “Đó chỉ mới tính trên địa bàn TPHCM. Kinh nghiệm là có rất nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận sẽ về TPHCM đặt in”, ông Linh nói.
Ông Minh của in Tài chính cho rằng nếu tình trạng quá tải xảy ra vào cuối năm thì càng trầm trọng hơn 2010 vì lúc đó, nhà in không chỉ in lần đầu cho doanh nghiệp siêu nhỏ mà còn in lại cho các khách hàng cũ cũng vừa sử dụng hết hóa đơn của một năm.
Cũng theo ông Minh, phương án dùng phần mềm để doanh nghiệp tự in hóa đơn, giải pháp đã được sử dụng hồi đầu năm 2011 khi nhà in không kịp giao hàng cũng khó có thể giải quyết vấn đề bởi tâm lý của các ông chủ doanh nghiệp là thích giấy trắng mực đen, in hóa đơn để dễ quản lý chứ không yên tâm khi giao cho nhân viên kế toán. “Ở các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhân viên kế toán thường được thuê theo mùa, ít khi là người của công ty”, ông Minh nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện bộ phận Ấn chỉ, Cục Thuế TPHCM cho hay, ngay từ tháng 2-2011 đã chỉ đạo các chi cục thuế dưới các quận huyện tuyên truyền và đôn đốc doanh nghiệp siêu nhỏ triển khai việc in hóa đơn sớm. Tuy nhiên vị này từ chối nhận định về tình hình cụ thể ở thời điểm này do không có thông tin.
Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Thuế TPHCM khẳng định, quan điểm của cục này là chậm nhất vào cuối tháng 10-2011, các doanh nghiệp siêu nhỏ phải về cơ bản thực hiện xong các công tác liên quan đến hóa đơn. Có thể đặt in tại các nhà in hoặc dùng phần mềm miễn phí của các công ty do Cục Thuế giới thiệu hoặc mua phần mềm để tự in hóa đơn. “Chắc chắn sẽ không có chuyện cơ quan chức năng gia hạn việc thực hiện như đã xảy ra vì doanh nghiệp đã có hẳn một năm để chuẩn bị”, vị này nói.
Vị này cũng xác nhận, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ trên địa bàn theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 65.000, gần gấp đôi con số 35.000 doanh nghiệp thuộc đối tượng tự in năm 2011.
Về lo lắng của các nhà in mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online phản ánh, vị này cho biết sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho các chi cục thuế địa phương để đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện.
Theo quy định của Nghị định 51/2010/NĐ-CP, từ 1-1-2012, các doanh nghiệp siêu nhỏ (theo tiêu chí sử dụng dưới 10 lao động) phải tự in hóa đơn để sử dụng, thay vì mua hóa đơn từ các cơ quan thuế. Trước đó, các doanh nghiệp còn lại đã thực hiện việc này từ đầu năm 2011, sau đó được gia hạn đến 1-4-2011.
In xong trong 7 - 15 ngày
Theo các doanh nghiệp in hóa đơn, ở thời điểm này, một hợp đồng in bình thường chỉ kéo dài từ 7 - 15 ngày.
Giá hóa đơn đặt in sẽ tùy vào loại giấy, chi tiết mà doanh nghiệp yêu cầu nhưng nhìn chung đã tăng vài chục phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái do giá giấy và chi phí sản xuất tăng.
Ông Minh của In Tài chính còn cho hay, đơn vị này hiện đang áp dụng một giải pháp mới để giảm giá sản phẩm nhưng vẫn đảm báo tính bảo mật cho hóa đơn. “Chúng tôi làm phôi chung với 20 mẫu hóa đơn. Các khách hàng có thể lựa chọn từ những mẫu này để rút ngắn thời gian thiết kế, thực hiện. Mẫu hóa đơn được in trên giấy đặc chủng (giấy bóng nước) có logo chìm, hoa văn chống giả, mực chống giả, số nhảy phát quang...”, ông Minh nói. Giá bán một cuốn hóa đơn theo ông Minh sẽ ở mức 90.000 đồng/cuốn.
Ông Trần Quốc Lâm, Giám đốc Công ty Nguyên Xương Thịnh cho biết, hiện đơn vị này đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, thiết bị, máy móc để chuẩn bị cho đợt in hóa đơn sắp tới.
Ông Linh của Liên Sơn khuyến cáo doanh nghiệp khi đi đặt in cần lưu ý lựa chọn nhà in cẩn thận. Theo ông Linh, cho đến thời điểm này, theo số lượng thống kê của Hội in TPHCM mà ông Linh là thường vụ ban chấp hành thì nhà in đăng ký với cơ quan thuế về việc đủ điều kiện in hóa đơn là khoảng 100 đơn vị, nhưng trên thực tế, nhà in có uy tín, có trang thiết bị đủ tiêu chuẩn để đảm bảo vấn đề bảo mật lại không nhiều.
|
Theo thesaigontimes.vn
|