Saigon Petro tăng giá bán lẻ sớm nhất sau khi Bộ Tài chính công bố phương án điều hành. Tập đoàn Petrolimex điều chỉnh muộn hơn nửa tiếng, vào 18h30 ngày 28/8.
|
Saigon Petro áp dụng giá bán mới từ 18h ngày 28/8, trong đó xăng 92 lên 23.650 đồng một lít Ảnh: Kiên Cường |
Tổng giám đốc Saigon Petro Đặng Vinh Sang xác nhận với VnExpress.net đơn vị này áp dụng giá bán mới từ 18h ngày 28/8, trong đó xăng tăng 650 đồng lên 23.650 đồng; dầu diezen (DO) tăng 300 và dầu hỏa tăng 450 đồng mỗi lít. Saigon Petro chủ yếu cung ứng xăng dầu khu vực phía Nam.
Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, đơn vị này cũng điều chỉnh tương tự, mazut không tăng. Thời gian áp dụng giá mới trên hệ thống đại lý của đại gia chiếm 60% thị phần này là 18h30. (xem chi tiết giá bán lẻ)
Thời gian áp dụng giá mới của Xăng dầu Quân đội cũng là 18h30, trong đó xăng và DO tăng như các doanh nghiệp khác. Riêng mazut, đơn vị này quyết định tăng giá 70 đồng một kg.
Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ 4 liên tiếp kể từ 20/7 đến nay. Nếu tính riêng trong tháng 8, giá xăng tăng 3 lần, tổng cộng 2.650 đồng, mỗi lần cách nhau 13-15 ngày. Theo quy định hiện hành, khoảng cách giữa những lần điều chỉnh tối thiểu là 10 ngày. Trong hai tháng gần đây, cứ sát đến thời hạn được phép điều chỉnh, doanh nghiệp lại báo lỗ, các đại lý than thiếu hàng và bán nhỏ giọt.
Hai tiếng trước khi doanh nghiệp áp giá bán mới, phương án điều hành thị trường đã được Bộ Tài chính công bố tại cuộc họp báo. Để ngỏ thời điểm và mức tăng cụ thể cho doanh nghiệp tự chủ động ấn định, song ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định mức tăng với xăng sẽ dưới 700 đồng mỗi lít. Các loại khác tăng với mức bằng 50% so với chênh lệch giá cơ sở.
|
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 11 lần điều chỉnh với 6 lần tăng và 5 lần giảm. Ảnh: Anh Quân |
Trên thực tế, một ngày sau khi giá xăng dầu tăng hôm 13/8, các doanh nghiệp cho biết họ tiếp tục lỗ thêm 500 đồng mỗi lít. Biểu đồ công bố trên trang web của Petrolimex cho thấy giá dầu thành phẩm tại thị trường Singapore 27/8 có xu hướng tăng cao suốt từ 13/8 đến nay, trong khi xăng RON 92 lại đi xuống và hiện thấp hơn khoảng 3 USD mỗi thùng. RON 92 sau khi lập đỉnh 128,4 đôla mỗi thùng vào ngày 13/8 đã giảm xuống 125,34 USD một thùng vào ngày 27/8.
Bộ Tài chính tính toán trong vòng 30 ngày gần đây (thời gian lưu thông được lấy làm cơ sở tính giá bán lẻ), cho thấy giá vẫn duy trì ở mức cao. Tính tới 27/8, giá xăng thành phẩm tăng 13,24% so với 30 ngày trước, dầu DO tăng 8,66%, dầu hỏa tăng 9,59 % và Mazut tăng 8,01%.
Cũng theo cách tính 30 ngày này, giá cơ sở (tính dựa trên giá nhập khẩu và thuế, phí, các chi phí kinh doanh) đang cao hơn giá bán lẻ trong nước khoảng 700-1.500 đồng mỗi lít xăng dầu.
Ông Thỏa cho biết thêm điều hành thị trường xăng lúc này vẫn nhất quán nguyên tắc chia sẻ lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thuế duy trì mức thấp hơn nhiều barem. Liên bộ quyết định tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít vào giá cơ sở. Điều này cũng có nghĩa, giá bán lẻ của doanh nghiệp nếu có tăng sẽ không được cộng thêm định mức lợi nhuận 300 đồng mỗi lít này.
"Nguồn cung đang căng thẳng, các đối tác nước ngoài đang ép giá chúng ta cao hơn mặt bằng. Trong khi đó, chi phí kinh doanh hiện đều vượt mức 600 đồng mà doanh nghiệp chưa được điều chỉnh theo", ông nói.
|
Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa tại cuộc họp báo chiều 28/8. Ảnh: Nhật Minh |
Theo ông Thỏa, nếu tính đúng thì phải cho điều chỉnh giá bám sát giá cơ sở. Song để bù đắp cho doanh nghiệp và ngăn giá không tăng cao quá, liên bộ thống nhất cho tăng mức sử dụng quỹ bình ổn với xăng từ 300 đồng một lít hiện nay lên 500 đồng. Mặt hàng dầu, sau nhiều năm không được bù lỗ, cũng sẽ được trích 300 đồng từ quỹ bình ổn giá. Doanh nghiệp bắt đầu được sử dụng quỹ bình ổn giá phù hợp với thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ.
"Tính toán với các phương án này, giá bán lẻ xăng sẽ tăng không quá 700 đồng mỗi lít", ông Thỏa nói.
Trong thông cáo báo chí cung cấp tại cuộc họp, Liên Bộ Tài chính – Công Thương cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá để điều chỉnh cho phù hợp. Thời điểm điều chỉnh cũng sẽ do doanh nghiệp tự quyết định.
Bộ Tài chính đã có công văn số 11534/BTC-QLG ngày 28/8/2012 gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để thống nhất thực hiện chủ trương này.
Cuộc họp báo của Bộ Tài chính diễn ra lúc 4h chiều nay, sau khi các doanh nghiệp đầu mối báo lỗ và đăng ký tăng giá. Nhiều đại lý cũng than khan hàng nên bán ra nhỏ giọt.
Trao đổi với VnExpress ít phút trước cuộc họp báo của Bộ Tài chính, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xác nhận đã gửi văn bản đăng ký tăng giá. Petrolimex đang chiếm 60% thị phần xăng dầu và là doanh nghiệp muộn nhất đề xuất tăng giá. Động thái đề xuất của "ông lớn" này thường được thị trường chú ý nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác. Trong những lần điều chỉnh gần đây, liên Bộ Tài chính - Công Thương thường chấp thuận sau khi có đề nghị của Petrolimex.
Từ tuần trước, các doanh quy mô nhỏ đã xin điều chỉnh tăng giá xăng lên khoảng 1.200 đồng mỗi lít.
Trước đó, nhiều cửa hàng "tố" đầu mối không cung cấp nguồn với lý do hết hàng, thậm chí siết hoa hồng còn 50 đồng mỗi lít. Còn đầu mối khẳng định, do đang "lỗ nặng nên cửa hàng phải cùng san sẻ khó khăn".
Như vậy sau 5 lần giảm (tổng cộng 3.200 đồng một lít) và 6 lần tăng (6.050 đồng) từ đầu năm tới nay, giá xăng A92 đang tiệm cận mốc kỷ lục ghi nhận hồi tháng 4. Trong lần tăng thứ hai vào 20/4, giá mặt hàng này lên 23.800 đồng, cao hơn hơn hiện nay 150 đồng một lít.
Theo VnExpress.Net
|